Aug 17, 2014

Sài Gòn nó đuổi tôi đi

Đối với tôi Sài Gòn không còn là Sài Gòn từ khi khu Eden bị khai tử để người ta trám vào đó bằng 2 tòa nhà Vincom xấu tệ từ cảnh quan bên ngoài cho đến nội thất. Chắc giờ này cũng chẳng mấy ai buồn nhớ đến Eden, nhỉ? Vậy mà chỉ cách đây 4 năm thôi, cũng vào 1 ngày tháng 8 mưa tầm tã thế này, trước lúc bị chính quyền thành phố tấn công, Eden còn được xem là linh hồn của Sài Gòn. Còn bây giờ, người ta  chặt bỏ hàng cổ thụ công viên Lam Sơn, đập bỏ thương xá Tax.
Cái thói quen lê la cafe, ngồi lì hàng giờ liền vừa nhâm nhi cái thứ nước đắng ấy, vừa ngắm phố phường, vừa tán gẫu của đại đa số dân Sài thành này bắt nguồn từ chính Eden, hay đúng hơn là từ những trí thức, ký giả, dân biểu, văn nghệ sĩ Sài Gòn xưa cho đến 4 năm trước ngồi ở quán La Pagode, Brodard, Givral xưa.

Từ 1 góc trong quán, người ta có thể thấy nhà hát Thành phố, ngắm nhìn dòng chảy thời gian của Sài Gòn. Điệp viên Phạm Xuân Ẩn từng ngồi đó. Trịnh Công Sơn từng ngồi đó. Họ ngồi đó, nhìn ra khung cửa sổ đó, qua tấm kính đó. Givral không chỉ là di tích mà nó chính là chứng nhân lịch sử của bao sự kiện, đổi thay của thành phố này. Bây giờ thì Givral mới cũng nằm đó, nhưng mà... sao khác quá, Sài Gòn ơi!

*Điện viên Phạm Xuân Ẩn còn có biệt danh là "tướng Givral" vì nửa cuộc đời điện viên của ông dành để ngồi ở quán này ^^ Khi phim "Người Mỹ trầm lặng" được quay, người ta còn sơn sửa lại mặt tiền quán cho thật giống bối cảnh trước năm 1975.
http://www.luanhoan.net/VanQuang/html/vq37.htm
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=10345
http://bloggoldmund.blogspot.com/2010/03/i-ve-chan-nui-xanh.html
http://namkyluctinh.org/a-lichsu/nguyenthach-givral.pdf
http://www.pi-company.com.vn/Default.aspx?Mod=ViewCategory&CateID=200&NewsID=1241

Givral nghe có vẻ xa vời quá đối với những bạn trẻ như tôi, nhưng nhắc tới nhà sách Xuân Thu chắc nhiều bạn còn nhớ. Hồi còn nhỏ, được đến nhà sách Xuân Thu với tôi là cái gì đó lớn lao lắm, hạnh phúc lắm, còn hơn đi du lịch nữa. Ấy là bởi hiếm khi tôi được đến Xuân Thu, và sách của Xuân Thu thời điểm đó trong mắt tôi thuộc về 1 đẳng cấp cao hơn hẳn những nhà sách khác. Những quyển sách viết bằng tiếng Anh đầu tiên của tôi mua ở Xuân Thu. Từ điển Oxford Advanced Learner gắn bó cùng những năm tháng trường Lê Hồng Phong tôi cũng mua ở Xuân Thu. Dĩ nhiên, cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc cũng mua tại đó. Bây giờ thì sách ngoại văn hầu như nhà sách nào ở tp.HCM cũng đều có bán rất nhiều chứ thời điểm đó, dù nhà sách Nguyễn Huệ cũng phong phú không kém nhưng tôi và dám chắc nhiều người khác đều thường lui tới Xuân Thu nhiều hơn vì có nhiều đầu sách chỉ Xuân Thu mới có. Những nơi khác tôi đến chỉ để mua sách giáo khoa, truyện tranh, còn Xuân Thu mới là thế giới sách của tôi.

tiền thân nhà sách Xuân Thu

Hồi cấp 1 tôi rất ghét học Anh Văn vì tôi không thấy nó có tác dụng gì hết. Nhà tôi cho tôi học vỡ lòng tiếng Anh ở nhà văn hóa năm lớp 3 gì đấy nhưng tôi học đúng 1 tuần là tôi trốn, tôi trốn suốt cả năm trời mà ba mẹ tôi không hề biết. Thay vì vào lớp thì tôi xuống thư viện ngồi vẽ tranh, đi ăn bánh tráng trộn, cá viên chiên, rồi qua phòng thể dục nhịp điệu nhìn trộm các bạn gái tập múa. Lúc nhà tôi biết thì cũng không ép tôi học Anh Văn nữa. Cho đến 1 hôm tôi được dẫn đi Xuân Thu lần đầu tiên, tôi bị choáng ngợp bởi những bìa sách và cái mùi ở đó. Nó không giống như ở những nhà sách thông thường. Cái mùi mực in, mùi giấy, mùi văn phòng phẩm của Xuân Thu thơm lạ lắm, phảng phất mùi bắp rang bơ. Còn những bìa sách thì toàn giấy cứng, màu sắc, nét vẽ thú vị vô cùng, làm tôi cứ tưởng mình đang trong gallery tranh vậy. Tôi bị thu hút bởi bìa cuốn Heidi bản rút gọn và 1 cuốn gì đó nội dung đại khái về 1 thám tử nhóc con trên 1 con tàu. Cả 2 đều viết bằng tiếng Anh, tiếc là giờ tôi không còn giữ nữa vì tôi từng rất hay cho mượn sách và người ta thường ít khi trả lại, có đi nữa thì cũng không nguyên vẹn. Tôi ngắm nghía 2 cái bìa sách, tôi lật từng trang tìm xem những hình minh họa khác. Sau 1 hồi say sưa nhìn ngắm, đoán già đoán non nội dung, tôi quyết định mua chúng cùng 1 cuốn từ điển song ngữ. Và thế là niềm đam mê học tiếng Anh của tôi bắt đầu từ đó.
Sau này tôi đến Xuân Thu vài lần nữa, thường là vào dịp Tết, nhưng chỉ xem lướt cho vui chứ không mua gì. Đến khoảng năm 2004, tôi học lớp 6-7 gì đấy, sau khi nghe vài chương Cuộc đời của Pi trên đài FM trong chương trình Đọc truyện đêm khuya, tôi quyết định đi tìm mua cuốn sách. Dĩ nhiên, chỉ có Xuân Thu là có sách đó đầu tiên. Trước đó tôi chưa bao giờ đọc tiểu thuyết, tôi chỉ đọc truyện chữ dạng bản rút gọn những tác phẩm nổi tiếng như Heidi, Le Miserable, Francois của La Comtesse De Segur, các truyện của Roald Dahl hoặc truyện nhiều kỳ Emil and the detectives. Và cái lúc tôi đọc xong trang cuối cùng của Cuộc đời của Pi cũng là lúc tôi biết rằng tôi sẽ chẳng bao giờ đọc những loại sách trăm trang kia nữa.Tôi mua cuốn Cuộc đời của Pi tôi vừa đọc xong, kèm thêm 1 loạt những sách Truyện kể Do Thái, những câu chuyện về người Do Thái, Tân Ước, Ramayana. Vài tháng sau tôi quay lại để mua tập mới Donald and Friends và Spirou and Fantasio mà tôi hay nhờ ba mẹ mua ở Xuân Thu, sẵn tiện tìm sách về Hồi giáo nhưng không thấy, tôi tình cờ bắt gặp "Con nhân mã ở trong vườn" và "Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ". Không hiểu sao mua chúng mà không hề suy nghĩ, không thèm đọc lời giới thiệu. Có lẽ do tôi bị ấn tượng bởi cái bìa. Nhưng tôi biết tôi không hề sai lầm khi mua 2 quyển sách ấy. Chúng đã định hình sở thích đọc của tôi trong mấy năm trời: đọc sách mới do Trịnh Lữ dịch và sách do Nguyễn Ngọc Thuần viết, bên cạnh đó thì sách kinh đieển tôi sẽ đọc bằng tiếng Anh.
Có thể nói là nếu không có Xuân Thu, tôi chẳng vào được chuyên Lê Hồng Phong, chẳng biết đến Trịnh Lữ, chẳng biết đến Nhị Linh, chẳng biết đến Goldmund (anh Thao), chẳng biết đến Paul Auster, Rolan Barthes, Michel Houellebecq, Milan Kunderra, Orhan Pamuk... Không có Xuân Thu thì không thể có tôi ngày hôm nay.


Cái ngày mà nhà sách Xuân Thu, cùng với Givral và những hộ khác trong khu Eden bị xóa sổ cũng là lúc tôi bắt đầu đọc ít lại, chậm lại, và dễ dãi trong việc chọn sách hơn vì tôi không còn tìm được cho mình những quyển ưng ý, 1 điều tôi làm rất dễ dàng trong Xuân Thu. Bây giờ tôi vẫn đọc chút chút, chủ yếu là theo gợi ý, đánh giá của bạn bè trên goodreads, sách cũng hay nhưng hứng thú thì tôi không còn như trước. Fahasa Nguyễn Huệ, Tân Định, Xuân Thu mới hoặc Cá Chép cũng bằng Xuân Thu ngày ấy.

Nhưng đó là chuyện của 4 năm trước, Vincom cũng lỡ mọc lên, đè bẹp linh hồn của Hòn ngọc Viễn Đông mất rồi. Sau này trên báo rộn ràng đủ thứ phương án cải tạo thành phố, việc chặt bỏ hàng cây cổ thụ trước Nhà hát bị phản đối quyết liệt. Rồi người ta đăng bản quy hoạch chi tiết thành phố, nhấn mạnh khu trung tâm sẽ là khu vực văn hóa lịch sử cần bảo tồn, tập trung phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm... Vậy đó, thế là kết thúc loạt bài tranh luận trên Tuổi trẻ, không ai nhắc tới nữa, mọi thứ chìm vào quên lãng.
Để rồi bây giờ, Thủ Thiêm không biết có mọc lên thêm được bao nhiêu cái nhà cao tầng nào không mà chỉ toàn thấy người ta xâu xé cái "bộ đồ lòng" của thành phố. 

Hàng cổ thụ Lam Sơn bị đốn rồi, bây giờ chỉ còn hàng lô cốt tồn tại ít nhất 5 năm nữa. Có nhất thiết trạm metro phải chình ình trước mặt Nhà hát không?
Tiếp theo sẽ là thương xá Tax nhường chỗ cho cao ốc 40 tầng. Những người đến trung tâm Sài Gòn cần mua sắm nhiều đến vậy sao? 2 cái vincom, bitexco, saigon square, diamond, parkson quanh khu vực đó hết chỗ rồi sao? Thêm cái plaza ngầm dự định xây dưới trạm metro cũng chưa đủ sao mà còn cần thêm 1 tòa nhà nữa?
Người ta đi metro tới Sài Gòn để thấy gì? 1 cái nhà hát bé tẻo teo bị vây quanh bởi 1 rừng bê tông ốp kính?
Hình như bấy nhiêu vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm, văn phòng, người ta chuẩn bị san bằng khu 164 Đồng Khởi, gần Nhà thờ Đức Bà để xây thêm 1 tòa nhà cao tầng nữa rồi sau đó lập bia tưởng niệm "nơi đây đã từng có di tích bốt catinat" kèm theo 1 mô hình nho nhỏ minh họa.
Lại sắp mở rộng thành phố ra tận Long An, Bình Dương rồi mà, Thủ Thiêm vẫn còn đầy đất trống cơ mà, sao cứ phải bâu vào dẫm nát Sài Gòn vậy? Rồi sau này sẽ là gì đây? Trường Minh Khai, Lê Hồng Phong, Marie Curie... phá bỏ để xây mới hiện đại cho giống Amsterdam, Năng Khiếu hay chăng? Chợ Bến Thành may mắn giữ được cái mặt đồng hồ giống với bây giờ còn bên trong cải tạo thành bãi đậu xe?

“Khu đất vàng” 164 Đồng Khởi có vị trí rất đẹp (

Người ta yêu Sài Gòn, đến Sài Gòn là vì những dấu ấn văn hóa Pháp để lại trên mảnh đất này. Nét đẹp Sài Gòn nằm ở đó. Dù muốn dù không thì đó là sự thật. Sài Gòn cần phát triển, đổi mới, nhưng không thể theo kiểu đạp đổ xây lại. Muốn phát triển cần phải có nền tảng, cụ thể là nền tảng văn hóa. Sài Gòn là thành phố trẻ, 300 năm tuổi nhưng Sài Gòn chỉ mới định hình thật sự 100 năm trở lại đây, chỉ vừa đủ để hòa hợp văn hóa Pháp với nếp sống người Việt hiện đại chứ chưa thể gọi là văn hóa đặc sắc riêng. Sẽ chẳng có ai muốn đến 1 nơi mà chẳng có gì khác lạ so với đất nước họ đủ khiến họ trầm trồ thán phục. Cũng chẳng có ai muốn sống ở 1 nơi chẳng có gì đáng tự hào, khiến họ cảm thấy đặc biệt, đáng để lưu giữ kỷ niệm. Tôi không muốn khi bạn bè nơi khác hỏi Sài Gòn có gì và câu trả lời của tôi là Bitexco hay Vincom, những tòa nhà với kiến trúc được xào nấu, dễ bắt gặp nhiều công trình hao hao ở những đất nước khác, và bán những món đồ, dịch vụ xuất xứ cũng từ nước khác. Tôi muốn chỉ tay vào công trình nào đó của Sài Gòn, và có những câu chuyện, sự kiện lịch sử để kể chứ không phải liệt kê những cửa hàng xa xỉ có trong vincom.

Tôi muốn sống ở cái Sài Gòn này, tôi yêu cái Sài Gòn này - Sài Gòn thời thiếu nữ trăng rằm, chứ không phải một Sài Gòn đôi mươi đua đòi "nâng ngực, nâng mũi, độn mông", khoác lên 1 vẻ ngoài hào nhoáng mà tâm hồn rỗng tuếch.




*Có lẽ tôi nên lập kế hoạch chuyển sang Istanbul của Orhan Pamuk hoặc Sikkim để sống.
*Tôi vừa trở về từ Ấn Độ, khá nhiều điều làm chuyến đi của tôi không như ý, tôi bực mình nhưng có 1 điều khiến tôi không thể không yêu đất nước ấy, con người nơi ấy. Đó là người ta thoải mái, tự tin mặc trang phục truyền thống của họ hằng ngày ra đường, ở nhà mà không phải thấy ngại vì bị đem ra bàn tán. Mà cũng đâu riêng gì Ấn Độ, hầu như các nước xung quanh vn đều thế, đó là do bề dày văn hóa, và nó không hẳn tính bằng năm, mà bằng mức độ tôn trọng bản sắc, độ tự hào dân tộc. Chứ không như 1 đất nước mà trang phục truyền thống bị ép mới mặc, còn lúc tự nguyện thì chủ yếu để làm dáng chụp hình, hoặc  mặc sinh hoạt bình thường thì bị gọi là hâm, quê mùa.

No comments:

Post a Comment